Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng và là một trong những chất chính giúp nâng cao hệ miễn dịch và thể trạng cơ thể. Thiếu vi chất giống như “nạn đói tiềm ẩn”, làm giảm sức đề kháng. Bên cạnh vitamin C, vitamin A còn được xem là “lá chắn” miễn dịch cho cơ thể, góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Vitamin A tham gia vào chức năng thị giác của mắt, giúp mắt sáng khỏe hơn. Loại vitamin này còn góp phần duy trì sự trẻ trung, cho làn da tươi sáng. Đặc tính chống oxy hóa của vitamin A còn bảo vệ tế bào chống lại tác động của gốc tự do – tác nhân góp phần gây ra bệnh tim mạch và các bệnh khác.
Một số người có thể chưa biết rằng, vitamin A còn được gọi là “vi chất chống nhiễm khuẩn và virus”, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Vai trò của vitamin A với đáp ứng miễn dịch được thể hiện ở tính toàn vẹn của biểu mô; nếu thiếu các biểu mô sẽ bị sừng hóa, tuyến ngoại tiết giảm bài tiết, khả năng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn giảm đi.
Thiếu vitamin A có liên quan đến suy dinh dưỡng, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng và tác nhân lây nhiễm khác. Trường hợp nặng dẫn đến tổn thương ở mắt, nếu không điều trị kịp thời có thể gây mù vĩnh viễn. Những biểu hiện của thiếu loại vi chất này như suy giảm thị lực, khô da; dễ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn… Khi có đầy đủ vitamin A, đôi mắt sẽ tinh anh, làn da mịn màng, hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.
Do cơ thể không thể tự tổng hợp vitamin A nên để hấp thụ và tổng hợp vitamin A, chúng ta có thể chủ động tìm kiếm các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A.


Vitamin A được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm hằng ngày, phổ biến là retinol và beta-carotene. Thực phẩm chứa vitamin A có nguồn gốc động vật (retinol) như gan, lươn, trứng, sữa…, nhất là ở gan – nơi dự trữ vitamin A nhiều nhất cơ thể. Các loại gan như gan gà chứa 6.960 mcg, gan lợn là 6.000 mcg, gan bò có 5.000 mcg trong 100 gram thực phẩm. Chất béo từ thịt và trứng cũng chứa một lượng vitamin A đáng kể.


Tiền vitamin A (beta-carotene) thường là từ một số sản phẩm động vật như sữa, kem, bơ và trứng. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây thường chứa beta caroten (tiền tố vitamin A) và sẽ chuyển thành vi tố này trong cơ thể. Các loại củ có màu vàng, đỏ, xanh thẫm có chứa nhiều beta-caroten như gấc, cà rốt, ớt chuông, rau dền…
Nguyên nhân khiến cơ thể bị thiếu hụt lượng vitamin A cần thiết phần lớn là do chế độ dinh dưỡng không phù hợp và khoa học. Khẩu phần ăn mỗi ngày nên có khoảng 15-20 loại thực phẩm, đầy đủ các nhóm chất (đạm, bột đường, béo, vitamin và khoáng chất).